“Gửi Xuân Tảo – con gái yêu quý của mẹ,
Khi con mở lá thư này ra, mẹ hy vọng con đang mỉm cười.”
Đây là bức thư mẹ đã ấp ủ suốt nhiều năm qua, định sẽ trao lại cho con vào đêm trước ngày con kết hôn.
Thật ra từ mười năm trước, mẹ đã bắt đầu nghĩ đến việc viết một lá thư như thế này. Bởi có một đêm, dù bây giờ đã có thể buông bỏ, nhưng mẹ vẫn chưa bao giờ quên được.
Nói là “buông bỏ” vì mẹ đã mất trọn một năm để có thể đối diện với đêm hôm ấy. Đó là đêm làm sụp đổ cái nhìn cứng nhắc của mẹ về sự “hy sinh” – một điều mẹ từng coi là biểu tượng cho lòng dũng cảm và chính nghĩa. Mẹ từng lấy lý do là đã cho con cuộc sống để kiểm soát và can thiệp vào cuộc đời của các con, xem đó là tấm bùa miễn tội của mình, là bằng chứng cho những lựa chọn chẳng ai thấu hiểu của mẹ. Mẹ khao khát được công nhận, nhất là từ những người từng hoài nghi hoặc tổn thương mẹ.
Nhưng rồi vào năm sau, khi chính tay mẹ nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của con, mẹ đã bật khóc nức nở. Lúc ấy mẹ mới hiểu, những giọt nước mắt đó không phải vì được thừa nhận hay vì những cố gắng được hồi đáp, mà là vì cảm giác giải thoát cho cả con và mẹ. Mẹ khóc vì con, vì bao năm trời con đã nỗ lực và tự kỷ luật đến đáng thương. Mẹ thấy đau lòng nhưng lại không biết làm gì hơn. Mẹ thừa nhận mình có giới hạn: năng lực không đủ, sự kiên nhẫn đã bị cuộc sống mài mòn, hiểu biết về giáo dục thì chẳng bao nhiêu. Mẹ không biết cách buông lỏng, nên chỉ còn cách áp đặt.
Còn nói “không thể quên” vì chính cái đêm ấy đã khiến mẹ đau đớn, bàng hoàng và tỉnh ngộ. Nếu không có nó, có lẽ mẹ vẫn đang sống trong thế giới tự mình tạo ra, một thế giới đầy tự lừa dối và ngụy biện. Mẹ từng nghĩ mình đúng, cố chấp quyết định thay các con, sợ thay đổi, ghét bất ổn. Mẹ cần một điều gì đó vững chắc. Nhưng rồi con lại trở thành “nạn nhân” của một người mẹ đã đánh mất chính mình. Mẹ khi ấy không còn định hướng, cảm thấy lạc lõng và sợ hãi.
Khi mẹ chọn một con đường mới, mẹ đã từ bỏ rất nhiều điều. Nhưng dường như con đường ấy lại không phải điều mẹ thực lòng mong muốn mà chỉ là một làn sóng cuốn mẹ đến bãi bờ cô đơn và nhạt nhòa. Trong cơn vật lộn, mẹ đã bám víu lấy con như chiếc phao cứu sinh, như giá trị duy nhất còn sót lại của cuộc đời mình. Mẹ muốn con trở thành phiên bản hoàn hảo của mẹ thời còn dang dở, muốn sửa chữa và bù đắp tất cả những lỗi lầm của mẹ lên cuộc đời của con… và cả chị con – Xuân Sướng. Giống như hai chậu cây quý giá, chỉ cần mẹ chăm chút đủ kỹ, các con sẽ nở rộ, còn lòng mẹ thì yên ổn.
Nhưng mẹ sai rồi.
Mẹ không thể yên ổn được.
Khi kiểm soát các con, mẹ cũng đang giam cầm chính mình.
Mẹ từng thấy con và chị con nhắc đến bộ phim “Nhà tù Shawshank”. Trong đó có câu: “Có những con chim sinh ra là để tự do. Lông của chúng rực rỡ đến mức không thể bị giam cầm.” Mẹ biết, các con đang ám chỉ mẹ là tên cai ngục đeo kính lạnh lùng, còn các con là người tù mơ giấc mơ tự do. Nhưng mẹ lại thấy mình giống “Red” hơn – một người từng bị nhốt quá lâu đến nỗi sợ cả tự do.
Mùa hè sau kỳ thi đại học, con được giải thoát, và mẹ cũng vậy. Nhưng lạ thay, mẹ không biết cách tận hưởng tự do ấy. Mẹ mất ngủ triền miên, chỉ ngủ được vài tiếng mỗi ngày. Mẹ thấy mình lạc lõng giữa chính cuộc đời mình. Trong khi con đi làm thêm, học kỹ năng, yêu đương, trang điểm, thay kiểu tóc mới… sống cuộc sống sôi động và tự do, thì mẹ vẫn như mắc kẹt ở căn bếp mờ tối ngày nào. Cảm giác như cả thế giới tiến về phía trước, chỉ còn mẹ đứng yên tại chỗ.
Mẹ mới chợt nhận ra: một lần nữa, mẹ lạc hướng.
Con gái à, có lẽ mẹ chưa bao giờ thật sự kể cho con nghe về “mẹ” – về người thật sự đứng sau cái bóng của một “người mẹ”.
Mẹ họ Xuân, tên là Xuân Sơ Trân. Ông ngoại đặt tên ấy nghĩa là viên ngọc trai đầu mùa, một báu vật mới ra đời. Ông là giáo viên cấp hai, luôn hy vọng mẹ sẽ học giỏi, vượt lên trên mọi người bất kể giới tính. Nhờ sự kỳ vọng ấy, mẹ học khá ổn, thi đậu đại học, tuy không nổi bật như con hay chị con, nhưng khi đó cũng là điều đáng tự hào. Ra trường, mẹ được phân về làm thủ thư trong thư viện. Con có tưởng tượng nổi không, mẹ từng là người yêu sách hơn yêu điện thoại, từng đắm mình trong mùi mực in chứ không phải mùi dầu mỡ. Ở tuổi đôi mươi, mẹ chưa từng biết đến sự mệt mỏi, vẫn còn sắc sảo và lấp lánh, tràn đầy đam mê, giống như đang lướt đi trên sân băng, thỏa sức vẽ ra hướng đi cho mình.
Nhưng rồi mẹ bắt đầu thấy “mệt”. Tâm trí trì trệ, phải bám víu vào những thứ vô nghĩa mới thấy dễ thở hơn. Có lẽ giống như các con thích uống trà sữa hay ăn bánh ngọt, một kiểu tiêu khiển không cần suy nghĩ.
Mọi người hay đổ lỗi cho con cái làm thay đổi cuộc sống. Nhưng mẹ biết rõ: không, không phải vì con. Những rạn nứt trong cuộc đời mẹ luôn ở đó, chỉ là chưa được nhìn thẳng, chưa bị bóc trần. Dù có con hay không thì đến một lúc nào đó, nó cũng sẽ nổ tung.
Mẹ phải thừa nhận rằng tình yêu mẹ dành cho con chưa bao giờ là trong suốt như nước. Trong đó có cả oán than, ghen tị và bất mãn.
Nhưng phần lớn những khổ đau ấy đều bắt nguồn từ cha con.
Mẹ gặp cha con cũng ở thư viện. Khi đó ông ấy rất thích đọc sách, thường xuyên đến mượn rồi trả, cứ qua lại như thế, hai người bắt đầu trò chuyện rồi dần dần thân thiết. Ông ấy là một chàng trai ôn hòa, tuấn tú, gần như chẳng bao giờ nổi nóng, đối với mẹ thì nói gì nghe nấy. Mẹ từng nói với bạn bè và cũng hay kể với bà ngoại con rằng, mẹ như tìm được người bạn đời trong mơ: công việc ổn định, tính cách ổn định, gia đình cũng ổn định. Nhưng mẹ hoàn toàn không ý thức được rằng: cái sự “ổn định” quá tròn trịa ấy đôi khi lại đồng nghĩa với tính cách nhu nhược, do dự và thiếu trách nhiệm.
Sau khi kết hôn, như thể một bức tường cao bất ngờ dựng lên, đồng thời cũng đánh vỡ quả cầu pha lê của thời thiếu nữ. Mẹ bị buộc phải đối mặt với rất nhiều thứ: sự lạnh nhạt, thờ ơ của cha con; những mê đắm phù phiếm không dứt; cùng chủ nghĩa vị kỷ sắc bén và tr@n trụi, suốt bao nhiêu năm trời đã cứa sâu vào mẹ. Sự trốn tránh của ông ấy khiến mẹ buộc phải gánh vác tất cả gánh nặng gia đình. Bằng không, mái nhà này sẽ đổ sụp xuống đầu các con. Và cứ như vậy, mẹ bỗng chốc từ giấc mơ bước vào hiện thực.
Nhưng khi ấy, mẹ vẫn chưa thấy “mệt”.
Cái gọi là “mệt thật sự” là khi vận may ngoảnh mặt làm ngơ.
Mẹ mang thai con trong khi vẫn đang đặt vòng tránh thai. Nói ra thì có vẻ hơi kiêu ngạo, nhưng mẹ luôn cảm thấy con và Xuân Sướng có một phần “cái tôi” giống mẹ, di truyền từ mẹ, từ tính cách, khí chất đến cả một phần linh hồn. Mà những thứ ấy lại bắt nguồn từ ông bà ngoại con. Huyết thống là điều khó lý giải nhưng lại luôn gắn bó chặt chẽ.
Thật lòng mà nói, mẹ không muốn từ bỏ công việc. Nhưng mẹ cũng không muốn trở thành một người lạnh lùng và ích kỷ như cha con. Nhất là khi ông ấy nói nếu đứa bé không phải là con trai thì sẽ bỏ. Chính khoảnh khắc đó lại khiến mẹ càng kiên quyết sinh con ra, nuôi dạy con trưởng thành. Mẹ hiểu đây sẽ là bước ngoặt của cuộc đời mình. Cả thế giới đều khuyên can nhưng không hiểu sao, hôm ấy khi từ bệnh viện đi ra, gió nhẹ thổi qua mặt mẹ, mẹ nghĩ: mẹ muốn con cũng được cảm nhận làn gió này, được nhìn thấy ánh mặt trời. Nếu bỏ con đi, mẹ cảm thấy mình quá tàn nhẫn.
Nhưng mẹ đã đánh giá quá cao khả năng đối mặt với thay đổi của bản thân.
Mẹ chưa từng thật sự làm một người mẹ. Trước đó ông bà ngoại là người chăm sóc chị con nhiều hơn. Họ giống như bức tường ngăn giữa mẹ và cuộc sống thật. Còn những kệ sách trong thư viện lại là một bức tường khác. Cho đến khi con chào đời, hiện thực mới thật sự ập xuống giáng cho mẹ một cú đau điếng. Mọi thứ quá khắc nghiệt, quá khó khăn, mẹ buộc phải cứng rắn lên và vì thế đã đánh mất rất nhiều điều.
Ông ngoại con nay đã khuất, nhưng ngày đó vì mẹ quyết sinh con mà mắng mẹ thậm tệ, chiến tranh lạnh với mẹ, bảo mẹ không xứng về nhà đón Tết, coi như không có đứa con gái này. Còn cậu con Xuân Khải Minh đúng lúc ấy lại đưa cả nhà di cư nước ngoài, tương lai rộng mở, chân trời rực rỡ. Đặt cạnh hình ảnh ấy, mẹ như một kẻ thiển cận vô dụng, bị trói trong mớ việc vụn vặt cơm áo gạo tiền, không có chí hướng, không có tiền đồ.
Trưởng thành là thế đấy, chỉ một quyết định thôi, cả cuộc đời có thể rẽ sang hướng khác.
Mẹ đã chọn một con đường không được ai hiểu.
Mẹ chọn trở thành một “người mẹ” – một người mẹ thực sự. Dù đau đớn, mâu thuẫn, giằng xé luôn song hành nhưng khi nhìn con từ một đứa bé còn đỏ hỏn, tập đi tập nói rồi chạy nhảy, rồi lớn lên cao hơn cả mẹ, có suy nghĩ, có ý chí, có kiến thức… mẹ mới thấu hiểu: Trên đời này, không có mối quan hệ nào mang đến sự ấm áp và an ủi sâu sắc đến thế.
Thế nhưng mẹ cũng không thể kiểm soát được bản thân, dần trở nên oán trách, tầm thường, gai góc, tính toán, trở thành một người mẹ đầy khuyết điểm và khó ưa. Vì nuôi hai đứa trẻ không phải chuyện đơn giản. Nhất là hai cô con gái, không thể chỉ lo cho đứa này mà bỏ quên đứa kia, cũng không thể nuông chiều hay thả lỏng. Ngoài xã hội đầy cạm bẫy, đời sống cám dỗ đủ kiểu, một cô gái rất dễ lầm đường lạc lối.
Mẹ mệt lắm, mệt không phải là thứ có thể định lượng được mà là một sự mỏi mệt mơ hồ, không có chỗ để đặt xuống, không biết trút vào đâu. Không ai lắng nghe, không ai đỡ đần, không ai hiểu. Mẹ sống trong một vòng lặp chết chóc suốt nhiều năm trời, ngày qua ngày, nhiều năm chỉ có một mình.
Mẹ không phải không biết sự phản kháng trong lòng con và chị con, không hiểu khát khao tự do của các con. Mẹ xin lỗi vì đã lén đọc nội dung trong chiếc hộp sắt của con. Hôm đó mẹ vừa giận vừa ghen tị. Vì ngay cả khi sống trong áp lực, con vẫn còn những vì sao, những đại dương, những xúc cảm tinh tế và dịu dàng. Còn mẹ thì sao?
Có lẽ các con không biết, mẹ đã uống thuốc điều trị tâm lý suốt nhiều năm. Một quãng thời gian dài mẹ không thể làm lành với chính mình. Mẹ thường đứng lặng người trước quầy rau giảm giá trong siêu thị. Có lần chọn xong con cá, ông chủ bế cá đi cân, mẹ nhìn vào bể kính chứa cá mà bất giác rơi nước mắt, đến khi ông gọi mới giật mình. Nhưng về đến nhà mẹ lại hóa thành một bà mẹ gắt gỏng, độc đoán, lắm lời, như thể chẳng sợ gì, bất khuất mà dai dẳng. Mẹ trở lại đúng hình ảnh “không dịu dàng” và “không dễ mến” nhất.
Mẹ xin lỗi… Mẹ thật sự không thể kiểm soát được bản thân mình.
Nếu không làm vậy, mẹ cảm thấy mình sẽ rỗng tuếch, mất hết điểm tựa như một cây cầu bị mối mọt khoét rỗng, làm sao còn đủ sức chở các con vượt sông? Nếu con và Xuân Sướng không có một cuộc sống đảm bảo, một môi trường an toàn, thành tích vững vàng, một tương lai sáng sủa… thì mẹ sẽ áy náy, sẽ cảm thấy có lỗi với các con và cả với chính bản thân mẹ. Mẹ không quan tâm người khác có xem mẹ là “bà mẹ tệ bạc”, là “người mẹ các con muốn rời xa” hay không. Trước hết mẹ chỉ mong các con lớn lên bình an dù có mang theo sự oán hận đi chăng nữa.
Giờ đây con cũng sắp xây dựng gia đình riêng của mình.
Vài hôm trước con nói với mẹ rằng, con đã dặn công ty tổ chức cưới: lễ cưới trên bãi cỏ, nhất định phải là mẹ nắm tay con bước vào lễ đường. Thật lòng mẹ có phần xúc động bất ngờ. Vì trong tất cả những đám cưới mẹ từng tham dự, vị trí đó, khoảnh khắc ấy thường là của người cha. Đối với nhiều người cha, có lẽ khoảnh khắc đưa con gái vào lễ đường chính là khi họ “tỏa sáng” nhất trong đời sống gia đình. Nếu là cha con dắt tay con, mẹ nghĩ chắc ông ấy cũng chỉ như thế, rực rỡ một lần rồi lại chìm vào bóng mờ.
Mẹ tin con sẽ không đi vào vết xe đổ của mẹ, vì Tiểu Nguyên không phải kiểu người như cha con. Hai đứa quen nhau từ rất sớm, cũng đủ hiểu rõ về nhau. Trước khi chính thức bước vào hôn nhân, mối quan hệ giữa hai đứa đã vượt xa rất nhiều cặp tình nhân, thậm chí là cả người thân. Tiểu Nguyên là một chàng trai trưởng thành sớm, lương thiện và chính trực, biết suy nghĩ, có chính kiến và luôn đặt người khác ở trong lòng. Con cũng vậy. Mẹ không bất ngờ khi hai đứa yêu nhau.
Chỉ là khi đó đang là giai đoạn quan trọng nhất của cấp ba, một hai năm ngắn ngủi ấy không đủ để mẹ hoàn toàn đón nhận một người. Một chàng trai nếu thực sự có trách nhiệm thì điều đầu tiên cần học được không phải là yêu hết mình mà là nhẫn nại và tiết chế. Mẹ biết, thích ai đó là chuyện khó mà kiểm soát. Nhưng mẹ đã chứng kiến quá nhiều cô gái vì yêu mà đánh đổi tương lai, mẹ từng nghe, từng thấy, từng trải qua. Mẹ không thể để con đánh cược. Con may mắn hơn, hai đứa xứng tầm, cùng yêu thương, cùng khích lệ, cùng trưởng thành và tiến bước. Nhưng cũng có những cô gái không may mắn, như mẹ chẳng hạn.
Cuộc đời mẹ vừa bất hạnh, lại cũng đầy may mắn.
Mẹ có hai cô con gái tuyệt vời. Dù bị ràng buộc bởi một người mẹ chưa từng hoàn hảo, các con vẫn sống đúng với bản tâm của mình, kiên định, vững vàng và trở thành phiên bản mà chính mình mong muốn. Các con ảnh hưởng đến mẹ, sưởi ấm mẹ, thậm chí cứu rỗi mẹ.
Vậy nên sau hai mươi năm muộn màng, mẹ cũng tìm lại được chính mình. Mẹ hiểu đời chậm hơn các con, nhưng chính các con đã khuyến khích mẹ bước ra ngoài thế giới. Giờ mẹ tham gia l*m t*nh nguyện viên thường xuyên, đến viện dưỡng lão, đến trung tâm giáo dục đặc biệt, cũng thường ghé thư viện thành phố đọc sách, lần này không phải với tư cách một nhân viên mà là một độc giả thực thụ. Mẹ tìm lại được sự bình yên mà mình đã bỏ quên từ lâu.
Cặp kính lão con đưa mẹ đi làm dùng rất tốt. Chị con cũng giới thiệu cho mẹ rất nhiều sách về nữ quyền. Có những lúc đọc đến giật mình bừng tỉnh, nước mắt rưng rưng, vì trong đó mẹ nhìn thấy biết bao phiên bản của chính mình, những khoảnh khắc, những rối ren, những câu hỏi và câu trả lời mà mẹ tìm kiếm bấy lâu.
Ngày mai con sẽ bước vào một chặng đời mới. Có thể sẽ có những vấn đề mới, những lựa chọn mới và những hành trình đi tìm lời giải mới.
Nhưng mẹ tin với tài năng, trí tuệ và sự đồng hành của người bên cạnh, hai đứa nhất định sẽ có thể nắm tay nhau vượt qua mọi giông tố, mỉm cười mà đi.
Nếu có một ngày con cảm thấy mỏi mệt, hãy quay đầu lại, mẹ sẽ luôn đứng ở bờ bên này chờ con trở về.
Mẹ đặt tên con là Xuân Tảo, vì Xuân là mùa xuân, Tảo là sớm mai, cả hai đều mang ý nghĩa khởi đầu và hy vọng.
Trong cuốn “Đồng Mục Trường” có một câu như thế này:
“Con người ta cảm thấy hạnh phúc, không phải vì sống dễ chịu mà là vì trong cuộc sống còn có hy vọng.”
Cảm ơn con đã ra đời.
Dù mang đi một phần thanh thản của mẹ, nhưng con cũng đã trao lại cho mẹ một tia hy vọng mới.
Sau khi kết hôn, cuộc sống của mẹ nhiều khi âm u lạnh lẽo như dòng sông băng, nhưng cũng có biết bao buổi sớm trời quang, bao mùa xuân tan băng, tất cả đều là nhờ sự hiện diện của con.
Ở đầu bức thư này, mẹ gọi con là “con gái của mẹ”.
Đến cuối bức thư, mẹ không còn gọi con như thế nữa.
Mẹ hy vọng câu trả lời của cuộc đời mãi mãi nằm trong tay con, không liên quan đến thân phận, không bị chi phối bởi kỳ vọng của người khác.
Xuân Tảo, con chính là chính con.
Chúc con và Tiểu Nguyên trăm năm hạnh phúc, bốn mùa viên mãn, bình an, mạnh khỏe và tràn đầy niềm vui.
Và cũng mong rằng, khi khoác lên mình tấm váy cưới trắng tinh khôi, con vẫn sẽ độc lập, vẫn xinh đẹp, vẫn đầy tự tin và tự do để sống một cuộc đời rực rỡ, lộng lẫy hơn bao giờ hết.
–
Xuân Sơ Trân
Viết trong một đêm thứ Bảy, mùa xuân.
Editor có lời muốn tâm sự:
Thật lòng mà nói bức thư mẹ Xuân gửi cho con gái mình đánh giá là phần cảm động nhất truyện, không phải chỉ vì tình mẫu tử bao la mà vì hình ảnh người phụ nữ được phản ánh qua nó. Mình chưa làm mẹ nhưng mình đã từng là con, mình hiểu cảm giác của Xuân Tảo khi có một người mẹ luôn kèm cặp sát sao và đặt hy vọng (kèm áp lực) quá lớn lên mình. Lớn lên mình cũng dần hiểu được lý do vì sao các mẹ của chúng ta luôn như vậy và qua bức thư này mình càng thấu hiểu điều đó.
Làm mẹ chẳng phải điều dễ dàng. Con cái có áp lực của con cái, người làm cha mẹ cũng vậy.
Hy vọng chúng ta luôn biết cách yêu thương và thấu hiểu, nhất là với những người quan trọng xung quanh mình.
***
Thực ra vẫn còn hai ngoại truyện về Thế giới song song khi mà hai bạn nhỏ Xuân Tảo – Nguyên Dã không bị gia đình ngăn cấm, vẫn đồng hành cùng nhau trong suốt khoảng thời gian cấp ba tới khi thi đại học, không có buồn đau, không có chia xa, song mình cảm thấy hiện tại là đủ rồi, đủ gia vị và cảm xúc, cho nên mình không edit nữa. Mình sẽ để link convert cho mọi người tìm đọc nhé.
Cảm ơn mọi người đã đọc và theo dõi bộ truyện này, hẹn gặp mọi người ở những bộ truyện sắp tới (nếu có) nha ❤